Các đại lý quảng cáo (advertising agency) là những công ty quảng cáo tổng hợp, có nhiệm vụ giúp khách hàng hoạch định một chiến lược tiếp thị hoặc một chiến dịch quảng cáo, marketing, quan hệ công chúng… cụ thể, để phục vụ cho các mục đích khác nhau như xây dựng thương hiệu và/hoặc thúc đẩy doanh số, thị phần.
Các công ty này tập trung vào việc lên kế hoạch, ý tưởng (concept), sáng tạo cho từng chiến dịch cụ thể. Mọi thứ chúng ta nhìn thấy như những hình ảnh quảng cáo, những logo, đoạn phịm quảng cáo, những thiết kế sáng tạo đều bắt nguồn từ những agency. Ở đó có các bộ phận chuyên trách như Giám đốc sáng tạo (creative director), Quan hệ khách hàng (account), Thiết kế đồ họa (creative designer)… Ngày nay, các agency toàn cầu còn có thêm nhiều dịch vụ như quay, dựng phim, quản trị website, đại lý booking quảng cáo và nhiều những dịch vụ bổ trợ khác…
Nhìn chung, sản phẩm của các agency chính là sự sáng tạo, và sự sáng tạo này thường có giá trị rất cao. Họ có một nhiệm vụ duy nhất: giúp cho thương hiệu hoặc các nhãn hàng (brand) của Khách hàng (clients) phát triển dài hạn, cạnh tranh với các đối thủ bằng các chiến dịch tiếp thị được nối tiếp nhau và đổi mới liên tục. Sự sáng tạo này có thể được thể hiện bằng hình ảnh đồ họa, âm thanh, ánh sáng, thiết kế đặc biệt… hoặc tổng hợp của tất cả những yếu tố này.
Sự sáng tạo của các agency thường sẽ được thể hiện và hiện thực hóa bởi các nhà sản xuất đối tác. Các đối tác của các agency có thể là những ngôi sao, những nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim, freelancer, công ty sản xuất phim quảng cáo, các công ty in ấn, các công ty sản xuất thi công quảng cáo (như Đức Kiên AD chẳng hạn), các kênh truyền hình, phát thanh…
Các sản phẩm được sản xuất ra bởi những đối tác này luôn phải tuân thủ những yêu cầu ngặt nghèo từ agency, để đảm bảo rằng các ý tưởng sáng tạo của họ cho các Khách hàng (clients) sẽ đi nhanh nhất đến trái tim, khối óc của người sử dụng (users/customers), và truyền tải được các thông điệp một cách chính xác nhất, nhanh nhất, ấn tượng nhất, phục vụ cho các mục tiêu trong từng giai đoạn của thương hiệu/nhãn hàng.
Các chiến dịch tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump tốn kém hàng tỷ USD, năm 2016, đều có một hoặc nhiều các agency trong nhiều lĩnh vực, đứng sau. Họ có thể sáng tạo các thông điệp tranh cử, các thiết kế đồ họa đặc trưng của thương hiệu Trump/Pence, logo tranh cử, thậm chí là tham gia vào việc chỉnh sửa các bài phát biểu trước cử tri. Việc in ấn các băng zôn hoặc làm các thước phim quảng cáo… của Trump sẽ do các đối tác của các agency đảm nhiệm. Trump chỉ việc bỏ tiền cho các agency và không phải lo lắng nhiều. Nhưng đó là rất nhiều tiền.
Hầu hết các thương hiệu trong top 1000 thương hiệu lớn nhất thế giới hiện nay đều có những agency đứng sau phụ trách toàn bộ mảng PR, quảng cáo, marketing, branding… Các công ty này thường ký với các agency những hợp đồng dài hạn. Bộ phận chuyên trách trực thuộc các clients sẽ phối hợp liên tục với agency để đảm bảo các chiến dịch sẽ diễn ra suôn sẻ và đúng mục tiêu.
Đó là một hướng đi đã được chứng minh là đúng đắn hàng trăm năm nay để xây dựng được một thương hiệu vững mạnh. Một công ty toàn cầu với hàng trăm ngàn nhân viên, có bộ phận marketing hàng nghìn người, vẫn luôn cần đến các agency để chuyên trách mảng quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng.
Sự sáng tạo gần như không giới hạn và những nghiên cứu chuyên sâu cộng với kinh nghiệm chính là lợi thế mạnh nhất của các agency. Đội ngũ in-house (“quân nhà nuôi”) của các clients dù đông đảo thường thiếu một cái nhìn tổng quát về thị trường, customer insights (tư duy người tiêu dùng) và do đó thường khó thiết lập được một kế hoạch tiếp thị hoàn chỉnh trên quy mô toàn cầu, thậm chí là trong phạm vi một quốc gia. Những ý tưởng đột phát rất khó xuất hiện trong một môi trường khép kín, và đó là lý do các agency luôn đóng một vai trò rất quan trọng.
Tại Việt Nam, các thương hiệu lớn nhất đều đã bắt kịp với xu thế toàn cầu, là sử dụng chuyên biệt các agency để phụ trách về quảng cáo, truyền thông. Tuy nhiên, làm việc với các agency đòi hỏi một chiến lược lâu dài, một ngân sách đủ lớn và một tham vọng đủ to trong việc phát triển thương hiệu. Những công ty nhận thức được điều này đều đã có những thành công nhất định và có tiềm năng vươn ra toàn cầu. Mặc dù vậy, để đạt được quy mô như những tập đoàn toàn cầu, có lẽ chúng ta cần nhiều hơn thế.
Như nhiều lĩnh vực khác, các công ty agency Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với những gã khổng lồ ngoại quốc. Mà để làm việc với những agency toàn cầu, chi phí bỏ ra phải là cực lớn. Đó là rào cản lớn. Đôi khi, có những công ty có tiềm lực tài chính rất lớn, thừa khả năng để vươn ra toàn cầu, nhưng lại chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu và các agency. Họ nghĩ rằng chỉ cần bộ phận tiếp thị in-house là đủ. Đó thực sự là một điều đáng tiếc.