Nội dung chính
Về khả năng sạch bóng Covid-19
Các chuyên gia dịch tễ hàng đầu nói rằng điều này là rất khó, nếu không muốn nói là không thể xảy ra, và sẽ đến lúc thế giới cần phải chấp nhận Covid-19 như một dạng cúm. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, một chiến lược vaccine dài hạn được triển khai thành công trên phạm vi toàn cầu có thể đưa các hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Ông Tedros, giám đốc WHO cho rằng, cần ít nhất trên 11 tỷ liều vaccine được triển khai tiêm (ít nhất 2 liều) cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022 để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Làm chậm điều này ngày nào, khả năng xuất hiện các biến thể nguy hiểm sẽ tăng cao hơn, đe dọa đến tất cả nỗ lực chống dịch, bao gồm cả việc phát triển vaccine.
Tất nhiên, con số 70% này là không hề chắc chắn. Các biến thể mạnh hơn của virus có thể khiến nó có thể phải cao hơn nữa.
Vaccine với các biến thể
Thách thức từ các biến thể mới là rất rõ ràng. Biểu đồ số lượng ca nhiễm mới do biến thể Delta tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… trong những ngày gần đây gây ra nhiều quan ngại, bởi đó đều là những nước giàu có, nơi đã tiêm 2 liều vaccine cho trên 50% dân số. Mặc dù vậy, các ca mới này cũng chủ yếu đến từ những người chưa tiêm hoặc chưa đủ 2 liều như khuyến cáo.
Cho dù biến thể Delta (được xem là nguy hiểm nhất hiện tại với mức độ 60% cao hơn so với biến thể Alpha) là nguyên nhân của 99% ca mắc mới tại Anh, 82% tại Mỹ cũng như chiếm hầu hết trong số các ca nhiễm mới tại Pháp, Nhật, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam…, nhưng tin tốt là các loại vaccine hiện tại (như Pfizer-BioNTech, Moderna, AZ) đủ khả năng đương đầu với nó với mức độ hiệu quả chấp nhận được. (xem nguồn dẫn).
Vaccine và các nước đang phát triển
Do lo ngại biến thể Delta, một số nước đã tính tới khả năng tiêm nhắc mũi thứ 3 cho công dân của mình. Tuy nhiên, cũng theo ông Tedros, việc này có thể làm chậm lại việc các nước kém phát triển có thể tiếp cận với vaccine và điều này là không công bằng cũng như sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chiến lược vaccine dài hạn. (xem nguồn dẫn)
Trong khi tại hầu hết các quốc gia phát triển, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 liều đều đạt 50-70%, thì tỷ lệ trung bình của thế giới chỉ là 15% (xem nguồn dẫn).
Hiện nay, tại các nước thu nhập thấp (như Việt Nam và một số nước châu Phi), tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chưa đạt tới con số 1,5%. Điều đó khiến các quốc gia này sẽ phải vật lộn với công cuộc chống dịch, và đến lượt nó lại gia tăng khả năng xuất hiện các biến thể mới. Indonesia, nơi có các ca nhiễm và số lượng tử vong không ngừng tăng lên dù đã tiêm chủng 2 liều cho 9% dân số, đang nổi lên như một “lò ươm” các biến thể mới. Nó rõ ràng không chỉ đe dọa Indonesia và người dân của họ, mà còn là các nỗ lực toàn cầu.
Vaccine và Việt Nam của chúng ta
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine của chúng ta hiện nay đạt 1% (đủ 2 liều) và khoảng 7,7% đã tiêm 1 liều (số liệu tính đến ngày 10/8/2021). Xét trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, con số này là thấp nhất trong tất cả các nước ngoài Myanmar.
Nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu cũng như nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác đang hạn chế khả năng tiếp cận một cách nhanh chóng hơn đối với vaccine của Việt Nam.
Mặc dù đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng theo kế hoạch vaccine được Bộ y tế công bố, đến đầu hoặc giữa 2022, sẽ có khoảng 150 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn (COVAX, mua bằng ngân sách, mua bằng quỹ vaccine, doanh nghiệp nhập khẩu, ngoại giao vaccine…) được tiêm đủ cho 70% dân số.
Đó cũng là những con số trùng khớp với mong muốn của ông Tedros, tổng giám đốc WHO. Và nó (được cho là) có khả năng tạo ra miễn dịch cộng đồng – mục tiêu cuối cùng của một chiến lược chống dịch.
Tất nhiên, đó là kế hoạch, là tham vọng, là lý tưởng. Và dẫu kịch bản vaccine này có đạt được, thì cũng còn là một khoảng thời gian rất dài.
Từ giờ tới lúc đó, ít nhất là từ 8 đến 10 tháng nữa, mới thực sự là một cuộc chiến. Cuộc chiến này quan trọng như thế nào?
Mục tiêu kép của Việt Nam
Vaccine Covid-19 ngay từ đầu đã được xem như giải pháp của mọi giải pháp để chống lại đại dịch. Tuy nhiên, như đã phân tích, hiệu quả (nếu có) của chiến lược vaccine trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chỉ được thấy nhanh nhất vào giữa năm 2022. Đó dường như là một công cụ của tương lai, và bất kỳ nỗ lực vaccine nào của hiện tại cũng sẽ không thể như một cây đũa thần dùng để giải các bài toán trước mắt. Chúng ta cần các giải pháp khác nhanh hơn, cụ thể hơn.
Vậy thì, từ giờ cho đến lúc đó, các quốc gia như Việt Nam chúng ta phải đối phó với dịch như thế nào, để vừa có thể đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, cầm cự “chờ vaccine”, vừa đảm bảo để cỗ máy kinh tế không bị “khô dầu, bốc khói”, hay theo như cách gọi của giới hữu trách, là “mục tiêu kép”.
Mục tiêu kép – vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – là điều mà chúng ta phải đạt, làm được, và là trọng tâm của mọi kế hoạch trong ngắn hạn. Nói một cách chính xác, mục tiêu kép vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện trước khi chúng ta có thể trông chờ vào những kết quả từ vacccine trong tương lai. Nhưng tương lai là gì nếu các bài toán mục tiêu kép trong ngắn hạn không được giải. “Toang” vì dịch bệnh, hoặc “toang” vì kinh tế kiệt quệ, đều phát âm giống nhau. Là “TOANG”. Tờ-oang-toang.
Vậy, cách nào chúng ta có thể sử dụng để giải một bài toán nghiệm kép mà chỉ thiếu một trong hai, bài toán sẽ thất bại? Tuyên truyền, hô khẩu hiệu? Giãn cách, cách ly xã hội triệt để? Xây thật nhiều bệnh viện dã chiến? Huy động thật nhiều công an, quân đội, sinh viên vào chống dịch? Mở trạng thái bình thường mới? Phát tiền cho mọi người dân sao cho đủ sống trong 8 tháng và bảo họ tuyệt đối không ra đường? Hay cách nào nữa?
Giãn cách xã hội và kết quả của nó
Giãn cách xã hội luôn là một giải pháp hành chính mang tính cấp bách. Xét ở một khía cạnh nào đó, nó giống như việc khi bạn bị chảy máu, rách cơ, bạn cần một tấm băng, gạc để cầm máu và xử lý vết thương. Nhưng bản thân nó không thể giải quyết vết thương của bạn hoàn toàn. Bạn cần vào bệnh viện, khâu lại và điều trị để vết rách lành hẳn, tránh nhiễm trùng cũng như các nguy cơ khác.
Trong tổng thế chiến lược chống Covid-19, giãn cách xã hội đưa ra các giải pháp hành chính bắt buộc, nhanh chóng giúp chấm dứt việc tụ tập đông người trong cộng đồng, sàng lọc các ca nhiễm, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao… qua đó kết quả đạt được giảm thiểu nguy cơ có thêm ca nhiễm và hạn chế tỷ lệ tử vong. Sau một thời gian, giãn cách xã hội, xét cho cùng đến mục tiêu của nó, là hạn chế lây lan, giảm thiểu ca bệnh để “câu giờ” giúp chiến lược vaccine có thể hoàn thiện và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu tối cao là giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, đã là phương án cấp bách thì chỉ mang tính tình thế, không thể áp dụng lâu dài. Chúng ta không thể giãn cách xã hội trong 8 hay 10 tháng liên tục đến thời điểm xuất hiện những tín hiệu tốt lành từ vaccine. Việc tìm ra một kế hoạch ứng phó mới trong điều kiện hiện nay cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và chúng ta cần sẵn sàng cho những thay đổi.
Ở thời kỳ đầu chống dịch vào 2020, khi toàn thế giới chưa có vaccine cũng như các biến thể Covid-19 chưa phức tạp, cùng với các yếu tố chủ quan liên quan đến nhận thức của cộng đồng, thì việc thực hiện nghiêm các chỉ thị giãn cách xã hội của người dân đã mang lại hiệu quả rất cao trong công tác phòng, chống dịch. Đã có những thời điểm tưởng chừng như chúng ta không cần đến vaccine mà vẫn có thể vượt qua đại dịch. Nhưng tình hình đã xấu đi trong năm 2021 này, đặc biệt là kể từ cuối tháng Tư.
Một làn sóng dịch bệnh mới với một biến chủng mới với tốc độ lây lan kinh hoàng cùng thời gian ủ bệnh lâu hơn nhiều, khiến những kinh nghiệm chống dịch trước đây của chúng ta không thể phát huy tác dụng. Một lần nữa tấm khiên Giãn cách xã hội lại được đưa ra như một giải pháp “bức thiết”.
Nhưng các con số đã có vẻ đã nói rằng, tấm khiên Giãn cách xã hội có vẻ như đã không còn hiệu năng như trước.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tình miền Nam đã triển khai Giãn cách trong một thời gian khá dài kể từ khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu bùng phát. Nhưng kết quả của nó đang không được như ý muốn. Trong khi việc phát triển kinh tế vẫn bị ảnh hưởng trầm trọng, thì các ca bệnh mới cũng như tỷ lệ tử vong vẫn chưa thấy có dấu hiệu suy giảm.
Chúng ta đã phải đánh đổi kinh tế với mong muốn đổi lấy một biểu đồ tích cực, nhưng điều đó có vẻ như sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quát, “bức tranh kinh tế” chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
Nó không chỉ đến từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước. Một số doanh nghiệp đủ sức đương đầu với giãn cách bằng tiềm lực tài chính, các công cụ làm việc mới. Nhưng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ – mạch máu của nền kinh tế – lại không có được những điều này.
Ngoài việc các doanh nghiệp vừa, nhỏ bị ảnh hưởng một cách sâu, rộng, thì những vấn đề về xã hội cũng rất đáng lưu tâm. Một bộ phận rất lớn những người lao động tự do đang phải vật lộn để tồn tại, khi thu nhập không có và cũng không biết phải đi đâu, về đâu trong thời kỳ này.
Khi viết đến dòng này, tôi chợt nghĩ đến những đứa con nít, hoặc những cụ già bán tăm bông vẫn thường lui tới các quán nhậu để kiếm khách. Những chị buôn bán phế liệu vẫn hay đến xưởng biển quảng cáo của chúng tôi để nhặt nhạnh những đầu mẩu alu, mica. Những bác thương binh lái xe ba gác. Những công nhân xây dựng. Những người thợ sửa chữa tự do, không ai bảo trợ khi thất nghiệp. Vân vân và vân vân.
Với những thành phần lao động (đã được xã hội phân công) này, thu nhập của họ chỉ đủ lo cho bản thân và một chút ít cho gia đình. Ráo mồ hôi là hết tiền. Không hề có tích lũy. Họ đang ra sao?
Đó là một mặt của một nền kinh tế dễ tổn thương. Rất nhiều người kinh doanh phụ thuộc vào mặt tiền, và họ giờ này đang phải đối mặt với vô số vấn đề. Những kế hoạch đóng – mở không thể dự báo làm cho họ luôn ở trong trạng thái nhấp nhổm, thấp thỏm. Trụ được bao lâu nữa giờ đây không phải là vấn đề nữa rồi.
Mỗi ngày trôi qua, đối với họ, lại thêm phần tồi tệ. Nhưng điều quan trọng nhất, theo chúng tôi, chính là sự chờ đợi trong vô vọng. Ai đó cần làm điều gì đó để cho mọi người thấy rằng, chu kỳ giãn cách này sẽ không diễn ra lâu thêm nữa. Và chúng ta cần những giải pháp khác mang tính phù hợp hơn. Bởi dịch còn dài, nó không thể kết thúc. Chúng ta nên chấp nhận nó, đối mặt với nó, sống với nó và tìm ra tất cả những gì có thể để hạn chế tác động của nó.
Chống dịch và phát triển kinh tế cần phải được xem là có vai trò quan trọng như nhau.
Bình thường mới
Bình thường mới chắc chắn không có ý nghĩa rằng thả lỏng 100% như chưa hề có dịch. Khái niệm này ở đây nên được hiểu là việc Chính phủ mở cửa các hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch một cách có kiểm soát, miễn sao nó có thể diễn ra.
Trong bối cảnh hiện nay, giả sử chúng ta không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại như giãn cách xã hội, cách ly xã hội thì tình hình dịch bệnh rất có thể sẽ trở nên căng thẳng. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang cho thấy điều đó.
Tỷ lệ tử vong, số ca mắc mới hàng ngày vẫn không ngừng tăng lên, bất chấp việc chúng ta đã áp dụng những biện pháp mạnh tay nhất là đóng băng toàn bộ các hoạt động không thiết yếu, giới nghiêm đi lại từ 18 giờ.
Vậy nếu không áp dụng biện pháp gì thì sao? Tình huống xấu nhất là gì? Một cách tuyến tính nhất thì có thể bạn sẽ nghĩ rằng rất dễ để tìm câu trả lời. Nhưng liệu tình hình có thực sự tệ như vậy?
Hiện nay, với tình hình áp dụng giãn cách xã hội hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, mỗi ngày Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gần 10 nghìn ca nhiễm mới, và khoảng 400 ca tử vong.
Vậy, giả sử khi áp dụng bình thường mới, số ca nhiễm mới mỗi ngày là X, và số ca tử vong mới là Y, trong đó, X và Y đều tăng so với các con số hiện tại. Như vậy, số ca nhiễm mới và tử vong mới mỗi ngày sẽ tăng lên tương ứng là X’= X-10.000 và Y’=Y-400. Và giờ chúng ta sẽ xem X’, Y’ nó tệ đến mức nào và nó sẽ tác động đến chúng ta như thế nào.
Lựa chọn các giải pháp bằng phép phân tích cận biên
Chúng ta không thể cân đo đong đếm được những nỗ lực mà toàn bộ hệ thống chính trị, chính phủ, và người dân đang phải bỏ ra cho công cuộc chống dịch bằng các biện pháp cấp bách như cách ly hay giãn cách xã hội. Các bệnh viện, khu cách ly F0, F1 đang dần trở nên quá tải. Đội ngũ y tế đang hoạt động hết công suất. Cùng với đó là hàng ngàn tình nguyện viên.
Chi phí cho tất cả những điều đó là một con số khổng lồ. Ngoài ra, một hệ thống rất lớn đội ngũ công an, quân đội, dân phòng… cũng được huy động để ngăn chặn người dân ra đường không chính đáng.
Song song với những chi phí nổi (tính đến nay đã lên tới hàng chục tỷ USD), là những gì mà chúng ta đánh mất do đóng cửa nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa. Hàng nghìn lao động mất việc làm.
Thành thực, nếu cộng tất cả, chúng tôi không dám nghĩ đến con số nó lớn như thế nào.
Và chúng ta đang phải bỏ ra con số đó cho công cuộc chống dịch, để đổi lại một hoặc nhiều mục tiêu không chắc chắn, nếu không muốn nói là mơ hồ và không thể đạt được. Đó là sự lãng phí.
Vậy nếu áp dụng bình thường mới để mọi hoạt động trở lại bình thường thì sao?
Khi đó, nền kinh tế sẽ được phục hồi, người lao động sẽ kiếm lại được việc làm và toàn bộ sẽ không bị hao phí sức lao động (một con số khổng lồ). Nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ nào về dịch bệnh? Số ca nhiễm và số ca tử vong chắc chắn sẽ tăng lên (X’ và Y’) như đã phân tích.
Nhưng nếu làm một phép so sánh cận biên, chúng ta sẽ thấy được lợi ích của việc bình thường mới. Tổng chi phí khổng lồ đang phải bỏ ra cho các chiến dịch, cách làm hiện tại liệu có lớn hơn so với tổng chi phí chúng ta bỏ ra để làm giảm X’ và Y’? Chúng tôi tin là có.
Và bài toán sẽ nằm ở đó. Cách mà chúng ta làm, tất cả nỗ lực, từ Chính phủ cho đến người dân, chỉ cần tập trung tối đa vào việc làm giảm thiểu con số X’ và Y’ – mức chênh lệch về số ca nhiễm và số ca tử vong giữa việc áp dụng giãn cách xã hội và việc áp dụng bình thường mới.
Tất cả chúng ta sẽ cùng làm điều đó. Chúng tôi tin rằng, nếu có phương án tốt, chúng ta có thể làm được.
Kế hoạch hành động
Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng, làm giảm X’ và Y’. Vậy, chúng ta phải làm như thế nào?
Nếu giãn cách xã hội là một hình phạt, thì chúng tôi tin rằng, nó đã đủ độ răn đe! Nó sẽ là cây gậy đánh thẳng xuống ý thức của người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều có một tinh thần “sợ dịch, sợ giãn cách” thì họ sẽ có được ý thức, mục tiêu cho riêng bản thân mình, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất việc tụ tập, đi lại không cần thiết, để hạn chế đến mức tối đa khả năng lây nhiễm, nhưng vẫn có thể phát triển sản xuất, phát triển kinh tế với cuộc sống bình thường mới.
Gần đây chúng tôi có đọc một bài báo rất đáng tham khảo của ông Lê Viết Hải, chủ tịch công ty xây dựng Hòa Bình. Ông ta có nêu ra một công thức gọi là 7K + 3T. Chúng tôi nghĩ rằng công thức này sẽ có thể góp phần làm giảm X’ và Y’.
Tất nhiên, nó chưa hoàn hảo. Đảng, Nhà nước sẽ cần làm thật tốt công việc tuyên truyền, truyền thông, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như:
- Ý thức sợ dịch. Điều này cần chảy trong huyết quản của từng người. Cần làm rõ một điều rằng, dịch không thể hết trong một thời gian dài sắp tới. và bất kỳ lúc nào nó cũng có thể nhiễm. Tất cả những gì người dân cần làm là tuyệt đối tuân thủ các biện pháp bảo vệ mình.
- Truyền thông rộng rãi, liên tục về 5K, 7K, 3T… cũng như các biện pháp có thể giúp hạn chế mắc và lây lan dịch bệnh.
- Cung cấp dịch vụ các thiết bị tự xét nghiệm Covid tại nhà; cùng với đó là để F0 dạng nhẹ, không triệu chứng, tự cách ly và điều trị tại nhà. F1 cũng vậy.
- Tuyên truyền truyền triệt để về các biện pháp khám, chữa bệnh nếu vô tình mắc phải, các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà cho F0. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến đầu – nơi đang phải điều trị các ca nặng đang tồn đọng.
- Áp dụng các biện pháp trừng phạt các cá nhân không áp dụng triệt để 5K (đeo khẩu trang, khai báo y tế).
- Lập ra các định mức và tiêu chuẩn hội họp đông người cũng như các biện pháp giám sát.
- Ngoài các vấn đề liên quan đến ý thức người dân như trên, cần tuyền truyền và nâng cao cũng như có các chế tài, biện pháp quản lý và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ, văn phòng… về việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như khai báo y tế, giãn cách, khẩu trang, tụ tập đông người… Hãy áp dụng các biện pháp xử lý thật nặng đối với bất kỳ vi phạm nào.
- Các biện pháp khác. Còn rất nhiều ý kiến, sáng kiến của rất nhiều người có trách nhiệm đối với cộng đồng. Chỉ cần Chính phủ tham khảo ý kiến của họ, chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều người sẵn sàng đóng góp.
Tinh thần kỷ luật trong thời kỳ bình thường mới, theo chúng tôi, chính là vũ khí để chúng ta có thể đạt được mục tiêu kép. Chúng tôi tin rằng với những gì đã trải qua, người dân và các doanh nghiệp chắc chắn sẽ có ý thức cũng như kiến thức nếu được tuyên truyền một cách hiệu quả, hợp lòng người.
Và đó sẽ là tiền đề để chúng ta có thể yên tâm chờ đợi những tín hiệu vui từ chiến lược vaccine, để một ngày nào đó, cho dù dịch bệnh có thể không hết hẳn, chúng ta vẫn có thể hát vang bài ca chiến thắng, một cách mạnh mẽ.