Vươn lên đến đỉnh cao
“Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, bạn phải chịu được những cảm giác không ai chịu được”. Đó là câu nói truyền cảm hứng kinh điển của nam ca sỹ Sơn Tùng M-TP cách đây không lâu. Nhưng thực tế trong quá khứ, các chiến lược gia hàng đầu về marketing đã diễn giải câu nói đó theo một cách khác: Muốn dẫn đầu một thị trường, bạn phải luôn khác biệt.
Chính chàng ca sỹ gốc Thái Bình đã đi lên theo cách đó. Anh trở thành tâm điểm của truyền thông trong một thời gian dài nhưng không phải bằng các trò lố về đời tư hay các câu chuyện bên lề, mà bằng chính những giá trị cốt lõi tạo nên một thương hiệu: chất lượng và sự khác biệt trong từng sản phẩm.
Âm nhạc của Sơn Tùng từ trước đến nay mặc dù luôn thay đổi và tự làm mới, nhưng nó luôn giữ được những yếu tố cơ bản giúp tạo nên tên tuổi của anh: giai điệu tuyệt vời, sự cá tính, chất ngông của người nghệ sỹ và phong thái của một người dám dẫn đầu.
Tính cách của Sơn Tùng thể hiện hoàn toàn qua âm nhạc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ca khúc là thứ duy nhất người ta có thể dùng để tìm hiểu về anh. Nói cách khác, thương hiệu Sơn Tùng M-TP có được như ngày hôm nay hoàn toàn là do yếu tố sản phẩm, không có bất kỳ sự ngoài lề nào.
Nếu có thể so sánh, M-TP giống như Apple vậy. Những sản phẩm của họ luôn trau truốt, tỷ mỷ và được chờ đợi, có nhiều khi là trông ngóng. Chẳng phải gần đây, mỗi năm mới có một sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng ra mắt hay sao?
Lượng fan của nam ca sỹ là đông nhất nhì Việt Nam và không ngừng tăng lên. Các tour diễn luôn chật kín khán giả reo hò và đồng thanh hát các ca khúc. Bất kỳ hình ảnh “nhá hàng” nào anh tung lên mạng xã hội đều trở thành tâm điểm của sự đồn đoán: Sản phẩm tiếp theo có lẽ sắp ra mắt?
Liên tưởng một chút, những chiếc iPhone cũng thế, hoặc ít nhất là đã từng như thế.
Họ đều là những thương hiệu dẫn đầu và đang ngự trị trên đỉnh cao. Nhưng như người ta vẫn nói, lên đỉnh đã khó, giữ được nó còn khó hơn bội phần.
Các thương hiệu dẫn đầu luôn luôn phải đối mặt với một vấn đề về mặt chiến lược: Làm sao để duy trì vị thế, hay cụ thể hơn là làm sao đáp ứng đủ sự kỳ vọng.
Khi sự kỳ vọng đã lên đến mức quá cao, bất kỳ yếu tố không đủ tốt nào cũng có thể kéo họ xuống. Đó cũng là nguyên lý cơ bản trong chiến lược marketing: bạn chỉ cần đáp ứng đủ các nhu cầu và các mong muốn.
Giờ đây người ta mong muốn mỗi năm Sơn Tùng M-TP có thể xuất bản vài ca khúc, nhưng mặt khác vẫn giữ được chất lượng đỉnh cao. Đó không chỉ là kỳ vọng trong cộng đồng fan của anh nữa, mà còn là cả các anti-fan, của giới truyền thông, các nhà phê bình, và của cả một nền âm nhạc.
Tính đúng đắn của chiến lược và sự thay đổi
iPhone đã biến Apple trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực di động, dù chỉ là tay chơi mới. Các ca khúc như Lạc Trôi, Chạy Ngay Đi, Hãy Trao Cho Anh… đã đưa Sơn Tùng lên đỉnh cao và tạo ra một cách biệt khá lớn so với phần còn lại về mặt thương hiệu, mặc dù trước đó anh chỉ được biết đến như một ca sỹ underground.
Trong một cuộc họp báo cách đây không lâu, Sơn Tùng M-TP và công ty của anh đã khẳng định: sẽ có ít nhất 3 ca khúc ra đời trong năm 2020, một điều chưa từng có tiền lệ với bản thân anh. Đó có thể cũng là một cách làm mới mình, một cách xây dựng chiến lược mới, nhưng có lẽ, nó chính là xuất phát từ những kỳ vọng quá cao từ cộng đồng.
M-TP và cộng sự đang cố gắng đáp ứng kỳ vọng đó một cách tốt hơn. Họ vẽ ra một viễn cảnh đáng chờ đợi và khẳng định sẽ thực hiện được nó. Họ hiểu vị trí của mình và muốn duy trì. Đó là tâm lý mà bất kỳ một thương hiệu dẫn đầu nào cũng sở hữu.
Nhưng, chính điều đó lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nam ca sỹ.
Người ta chưa từng kỳ vọng Apple sẽ có iPhone giá rẻ và ra mắt 3-4 mẫu một năm. Gần đây họ đã làm điều này và có những dấu hiệu cho thấy sự chuệch choạc.
Thị trường âm nhạc trong 3-4 năm trở lại đây cũng đã quá quen với việc Sơn Tùng M-TP mỗi năm chỉ có một ca khúc. Đương nhiên là họ sẽ rất vui với việc ca sỹ sẽ có nhiều bài hát hơn, thậm chí là một album, hay tổ chức nhiều tour diễn hơn, nhưng đó là điều không hề bắt buộc để duy trì tên tuổi của anh, vốn dĩ vẫn thế.
Nhưng bỗng dưng Sơn Tùng lại tự tuyên bố và khẳng định như vậy. MTP Entertainment đã đẩy kỳ vọng của công chúng lên một mức mới. Và về mặt chiến lược, đó là cách tự làm khó mình.
Chiến lược mới có thể nhắm đến việc đưa tên tuổi MTP lên tầm thế giới. Nhưng thực tế rất ít ca sỹ hay nhóm nhạc hàng đầu thế giới nào lại có thể đều đặn ra các album toàn các ca khúc do chính mình sáng tác.
Nếu 2020, Sơn Tùng MTP có thể cho ra mắt 3 ca khúc như hứa hẹn, thì người ta có quyền mong đợi ít nhất điều đó sẽ xảy ra trong 2021, 2022, 2023 và những năm tiếp theo.
Và có một điều chắc chắn: Bất kỳ sự kỳ vọng nào không được đáp ứng đủ đầy sẽ kéo một thương hiệu đi xuống. Đưa kỳ vọng của khách hàng lên mức quá cao không phải là cách duy trì vị thế.
Sơn Tùng luôn tập trung vào công việc. Người ta không thể tìm trên báo các thông tin về đời tư cá nhân. Còn các ca khúc nhỏ giọt của anh thì luôn đẹp và được trau truốt một cách cực đoan. Người ta có thể nghe mãi mà không chán. Đó chính là những tính cách đã làm nên thương hiệu MTP, chứ không phải việc mỗi năm ca sỹ sẽ ra bao nhiêu bài, hay đầu tư vào lĩnh vực gì.
Giờ đây, làm thế nào để duy trì các giá trị đó khi mà lượng công việc được nhân lên gấp 3-4 lần? Nếu một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thể thuê thêm nhà máy, thuê thêm công nhân để mở rộng công suất sản xuất, thì điều gì khiến một nghệ sỹ sáng tạo như Sơn Tùng, vốn chỉ hát nhạc do chính anh viết, lại có thể đảm bảo và duy trì chất lượng các ca khúc?
Chỉ có Sơn Tùng và đồng nghiệp của anh mới biết được điều này. Nam ca sỹ với thiên tư âm nhạc và sự sáng tạo không giới hạn có thể có chiến lược và công cụ của riêng mình. Điều đó thì chỉ có thời gian mới trả lời được.
Nhắc đến thời gian, một nửa năm 2020 sắp trôi qua rồi. Người ta vẫn phải lên Google tìm xem Sơn Tùng có động thái nào cho việc chuẩn bị ra mắt ca khúc mới hay không. 6 tháng còn lại cho 3 ca khúc. Một thách thức không hề nhỏ.
Nhưng chính các thách thức đã tạo nên tên tuổi của Sơn Tùng ngày hôm nay. Và chúng ta sẽ phải chờ đợi xem anh sẽ vượt qua nó như thế nào. Cộng đồng Sky, fan của Sơn Tùng MTP vốn đã tự hào về thần tượng, người luôn tự đặt ra các giới hạn, các thách thức và tự mình phá vỡ nó, thì giờ đây họ sẽ luôn tự hào vì vị “chủ tịch” của mình đã dám đẩy cuộc chơi lên một tầm cao mới, bất kể sự kỳ vọng có được đáp ứng hay không.
Mặc dù vậy, xét về nhiều góc độ, rõ ràng là nam ca sỹ và công ty của anh không nên tự gò ép mình vào những điều đó. Nó vốn dĩ hoàn toàn không cần thiết.
Về góc độ kinh doanh, bất kỳ chiến lược tiếp thị nào cũng đều cần thời gian để kiểm chứng tính đúng sai của nó. Chỉ một điều có thể khẳng định: Bất cứ giá trị nào đã tạo nên một thương hiệu dẫn đầu, thì chúng ta không nhất thiết phải thay đổi chúng.
© 2020 Trần Quang Hảo/Đức Kiên AD. Mọi hành vi sao chép và xuất bản lại bài viết này mà không dẫn nguồn đều là bất hợp pháp.