(Lá thư từ 22/8/2015)
Con trai, thư này rất dài, con có thể đọc trong vài ngày cũng được.
Hôm nay ba sẽ nói với con về Bphone, một sản phẩm điện thoại thông minh của công ty công nghệ Bkav của đất nước mình.
Đó là một sản phầm mà ba đã từng thích khi nó mới ra mắt. Một sự kiện ra mắt tuyệt vời, theo ba, là ở đẳng cấp thế giới. Thật hiếm khi một người làm quảng cáo như ba được chứng kiến một điều gì đó tương tự diễn ra tại Vệt Nam chúng ta. Thật là tự hào!
Ba đã muốn mua nó, nhất là khi chiếc iPhone của ba gặp trục trặc. Nhưng không hiểu sao đến lúc này ba vẫn chưa mua nó. Có lẽ vì ba hơi thận trọng và hơi nghèo. Nhưng giờ này thì ba cảm thấy ba đúng vì không mua nó và dường như là ba sẽ không bao giờ mua nó, con yêu ạ. Nhưng ba không mua nó cũng không có nghĩa rằng ba thôi hâm mộ bác Quảng đâu con.
Với Bkav, không sao, điều đó sẽ không ảnh hưởng gì đến họ cả. Vẫn sẽ có những người khác mua và yêu thích sản phẩm Bphone, một siêu phẩm theo cách họ vẫn nói, một siêu phẩm hàng đầu thế giới.
Đúng vậy con yêu, ba cũng đã nghĩ như vậy. Họ đã làm mọi thứ thật tuyệt vời, từ lúc tung những thông tin hạn chế đến lúc ra mắt sản phẩm bắt mắt bắt tai. Nhưng chỉ đến đó. Lúc mà họ bắt đầu bán ra sản phẩm của mình thì mọi chuyện cũng bắt đầu tệ dần.
Ba bất ngờ và hụt hẫng dẫn đến không hiểu tại sao một sản phẩm ra mắt hoành tráng tầm cỡ thế giới lại không có sẵn thật nhiều hàng ở trong kho. Họ muốn gì? Có lẽ họ muốn mọi người xếp hàng chờ mua trong tâm trạng háo hức. Người ta vẫn nói “chờ đợi là hạnh phúc” mà con. Ba đã nghĩ là họ cố tình làm như vậy, vì ba biết là một sản phẩm khan hiếm thì bao giờ cũng có giá trị.
Qua năm lần bảy lượt họ giao trễ Bphone cho những người đã đặt mua, rồi nâng cấp phần mềm gì đó, ba vẫn nghĩ đó chỉ là chiêu bài của họ. Ba nghĩ họ có hàng triệu sản phẩm nhưng muốn tạo ra một sự “khan hiếm giả mạo” để kích thích người tiêu dùng và giữ nhiệt cho thương hiệu non trẻ. Và ba vẫn nghĩ đội ngũ marketing của họ thật là tuyệt vời, như cái cách mà họ tung ra Bphone.
Trong thâm tâm ba đã nghĩ rằng, Bkav thật là vĩ đại. Ba đã nghĩ ra viễn cảnh sự thành công của Bphone sẽ thức tỉnh những ngành công nghiệp còn lại của đất nước, rằng con người Việt Nam chúng ta có thể làm ra bất kỳ thứ gì chúng ta muốn. Giống như việc vượt vũ môn vậy. Khi dẹp bỏ được sự mặc cảm và có sự đồng lòng, mọi thứ đều có thể xảy ra.
Ba đã nghĩ rằng Việt Nam đã chế tạo được Bphone, thì sẽ có thể làm ra những con người ngoại hạng, làm ra được máy bay, ô tô, xe máy, du thuyền, thậm chí là chiếc xe đồ chơi giống những chiếc xe toàn chữ Trung Quốc mà ba vẫn mua cho con.
Cho đến lúc này thì ba vẫn mong điều đó xảy ra như rất nhiều những người khác. Nhưng ba quá tệ không làm được gì cả, chỉ dám làm anh hùng bàn phím. Tất cả trông cậy vào con, con yêu.
Trở lại với câu chuyện. Người Việt ta có câu “con giun xéo mãi cũng quằn”, sự chờ đợi phi lí khiến cho những người kiên nhẫn nhất cũng phải suy nghĩ lại. Ba cứ nghĩ là Bphone có lẽ cũng đã hiểu rằng họ đã làm trò quá lố dẫn đến những tác dụng ngược. Bphone bắt đầu giảm nhiệt. Sự háo hức dường như không còn mà thay vào đó là sự chán chường, thất vọng nơi người tiêu dùng, vốn đặt rất kỳ vọng vào một sản phẩm công nghệ hàng đầu “made in Vietnam”.
Trong hoàn cảnh đó, Bphone đã làm gì? Họ không làm gì cho đến gần đây, giống như lá bài cuối cùng trong tay áo, họ tạo ra một sự kiện lớn với mong muốn đưa mọi chuyện trở lại quỹ đạo.
Đó là việc họ mời mọi người đến thăm quan “nhà máy cơ khí” và “nhà máy điện tử”, những nơi chế tạo ra 70% Bphone.
Ba mới biết được thông tin đó và sự thất vọng không kể xiết khiến ba viết ra những điều này, con yêu ạ. Nó không liên quan gì đến ba con mình nhưng ba phải ghi lại, biết đâu đó sẽ là một kinh nghiệm cho con sau này.
Dường như mọi chuyện đã được phơi bày. Ba không hiểu họ muốn gì nữa. Con, họ muốn chứng minh điều gì khi mời phóng viên, giới công nghệ đến thăm nhà máy vậy? Mai này con lớn, có cơ hội gặp các chuyên gia marketing hàng đầu, hãy hỏi giúp ba câu hỏi đó. Họ muốn tăng nhiệt độ cho thương hiệu thì đúng rồi, bởi mấy hôm nay các trang báo bắt đầu nói về Bphone trở lại, dù không tưng bừng như ba tháng trước. Nhưng họ còn muốn gì nữa?
Con yêu ạ, công việc của họ đơn giản là bán một sản phẩm tốt và đúng giá đến tay người tiêu dùng đúng tiến độ. Tất cả chỉ có như vậy thôi. Cảm nhận và trải nghiệm của khách hàng, người sử dụng về Bphone mới quyết định sự thành công của nó, chứ không phải nhà máy sản xuất ra nó trông như thế nào và nó làm ra bằng cách nào.
Ngay từ đầu ba cũng không quan tâm xem Bphone được sản xuất ở đâu, với ai, bằng cách gì. Ba chỉ thích nó bởi tâm huyết và khát khao của bác Quảng (sếp của Bkav đó con) về trí tuệ Việt Nam, cũng bởi vì nó đẹp, hiệu năng cao và cũng bởi vì nữa là ba cảm thấy “nó có khả năng thành công lớn”, đem lại thật nhiều tiền cho bác Quảng và cho cơ quan Thuế, tạo ra thật nhiều giá trị cho xã hội vốn vẫn bị lệ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài. Vậy đó con.
Đến giờ thì ba nghĩ không ai dám chắc việc họ in chữ “Made in Vietnam” trên Bphone là đúng hay sai. Nhưng ai quan tâm, con nhỉ, nếu nó tốt.
Sản xuất ở Việt Nam thì đã sao mà ở Trung Quốc thì đã sao. Đa phần người Việt Nam ta không thích Trung Quốc và các sản phẩm từ đó. Nhưng họ vẫn dùng iPhone đó thôi. Trung Quốc có năng lực sản xuất iPhone (một trong những điện thoại bán chạy nhất thế giới con ạ), thì cớ gì là Bphone, hay Aphone và hàng tá các loại phone khác. Chẳng sao con nhỉ. Miễn là nó tuyệt vời.
Đến giờ ba chưa được chạm vào Bphone nên ba không biết là nó có tuyệt vời như bác Quảng vẫn nói hay không, những người khác sẽ đánh giá giùm ba.
Nhưng ba không nghĩ là nó tốt như thế. Bởi nếu nó thực sự tốt thì Bkav chẳng cần làm gì ngoài việc nỗ lực sản xuất thật nhiều hàng và giao hàng đúng hạn cho Khách hàng. Đúng. Họ không cần quảng cáo gì thêm nữa vì nó đã quá nổi tiếng rồi. Tất nhiên, họ càng không bao giờ nên mời người ta đến “thăm” nhà máy của mình.
Apple (công ty sở hữu nhãn hiệu iPhone đó con), ba không biết nhưng liệu nó đã từng mời người ta đến thăm nhà máy ở TQ không nhỉ? Tất nhiên rồi ba không nên so sánh như thế bởi là vô cùng khập khiễng. Apple là một trong các công ty lớn nhất hành tinh và có doanh số xấp xỉ thu nhập (GDP) của cả đất nước ta đó con.
Nhưng điều ba muốn nói ở đây là “cây ngay không sợ chết đứng”. Bkav quá quan tâm đến việc dư luận đang nghĩ gì về họ. Họ phản ứng. Liệu có giống “xù lông nhím” không nhỉ? Cái này phải hỏi mẹ con, mẹ con rành nè.
Xù lông nhím giống như kiểu con mắc lỗi, mẹ la con và con cãi lại, cố gắng chứng minh con không sai, nhưng lúc con cố gắng nhất thì đó là lúc mà con thừa nhận lỗi lầm của mình. Còn nếu con không sai, con sẽ không cãi lại, chỉ mỉm cười, đến lúc nào đó mẹ sẽ tự hiểu. Mẹ sẽ xin lỗi con.
Vậy đó. Nếu sản phẩm Bphone đúng là một siêu phẩm hàng đầu thế giới, bác Quảng sẽ chỉ cười trong bụng và thầm nghĩ “rồi các bạn sẽ nghĩ lại” trước áp lực của thị trường vốn luôn khắt khe với chính con người, chính sản phẩm của đất nước.
Ba sẽ không nói với con về việc các nhà máy của Bkav trông ra sao, bởi với ba điều đó đâu có quan trọng và ba hy vọng là con hiểu được điều này. Đừng bao giờ đánh giá một sự vật hay hiện tượng dựa trên vẻ bề ngoài của nó. Mọi thứ phải bắt đầu từ điều nhỏ nhất. Phải có nhỏ thì mới có lớn rồi mới có thứ vĩ đại. Nhà máy của Bkav trông ra sao, lớn cỡ nào, có gì bên trong, có bao nhiêu người, máy móc có hiện đại hay không… không quan trọng bằng việc sản phẩm mà họ bán ra trông ra sao, đẹp cỡ nào, có gì bên trong, bán bao nhiêu tiền, bán thế nào và có hợp thời hay không. Vậy thôi con yêu.
Họ có thể có được sản phẩm đó bằng bất kỳ cách nào: tự sản xuất, sản xuất một phần, nhập khẩu nguyên chiếc… và dán nhãn “made in Vietnam”. Ba không hiểu luật nhưng nếu điều đó hợp với luật lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, không có ai kiện họ về dòng chữ đó, thì họ vẫn làm được mà!
Dòng chữ đó nói lên điều gì? Sự tự hào! Chúng ta là người Việt Nam và chúng ta đang nói với thế giới rằng, đó là sản phẩm sản xuất bởi người Việt Nam, có gì đáng trê trách? Họ cười khẩy chúng ta? Ai quan tâm? Chúng ta chỉ cần nỗ lực khiến họ móc hầu bao cho nó.
Miễn là nó tốt, nó đẹp, nó hiện đại, nó có giá hợp lí và nó có sẵn hàng trong kho. Không gì khác.
Nhưng con phải nhớ là niềm tự hào cũng là một tài sản của Quốc gia, đừng bao giờ lợi dụng hay mua rẻ nó.
Ba không giấu gì, nhiều lúc ba cũng tự hỏi, nhà máy Bphone trông ra sao. Ba nghĩ nó rất tuyệt vời nhưng họ không muốn tiết lộ và “phớt tỉnh ăng lê” trước các luồng dư luận. “Ai muốn tìm hiểu thì tự đi mà tìm hiểu, tôi không rảnh, tôi cần thời gian để chăm sóc Khách hàng”. Ba chỉ muốn con sẽ làm như vậy.
Nhưng thật buồn cho cách nghĩ của ba. Họ đã làm. Thật rầm rộ như cách đây ba tháng. Cả một đoàn người, có lẽ rất rảnh rỗi, dẫn đoàn người sành công nghệ đi thăm quan nơi sản xuất ra Bphone. Và họ chỉ ra cho cả thế giới thấy nhà máy của họ, công nghệ của họ, máy móc của họ, quy trình của họ, bí quyết của họ, mọi thứ của họ. Thật tệ.
Họ cho thấy là họ có thể làm ra mọi thứ nhưng giờ đây, ba không tin là nhiều người tin điều đó nữa.
Ba xem ảnh và có thấy một tấm bảng hiệu bằng aluminum chưa được treo lên. Giá mà họ thuê ba, ba sẽ thức đêm để treo lên cho họ trước khi họ dẫn đoàn phóng viên và giới phân tích công nghệ Việt Nam vào thăm. Chí ít ra ba cũng làm biển rất đẹp và có trách nhiệm. Và ít ra khi mọi người vào nhà máy đó, họ cũng biết là đang đi đâu.
Nếu con muốn coi thì ba sẽ cho con coi. Nhưng tất nhiên là con có thể tự tìm hiểu, nhỉ?
Ba cũng rất nhiều lần phải dẫn Khách hàng đến thăm xưởng quảng cáo của ba để tạo niềm tin rằng ba có khả năng làm ra những tấm biển quảng cáo thẩm mỹ và đúng giờ. Nhưng họ sản xuất ra sản phẩm để bày trên kệ và cho người ta trải nghiệm. Người ta chỉ trải nghiệm sản phẩm trên kệ, thứ sẵn sàng để mua. Ai quan tâm đến việc nó sản xuất ra sao, bởi có mấy người hiểu được.
Có thể là đã có quá nhiều người tò mò chỉ vì dòng chữ “Made in Vietnam” in trên Bphone, nhưng như ba nói với con rồi đó, họ đâu có phạm pháp?
Trong cơn bĩ cực, có lẽ là ba nói quá rồi, họ đã quá vội vàng. Và sự vội vàng của họ đã đánh mất chút niềm tin còn sót lại, chí ít là ở nơi ba. Thật sự là ba đã sai, có lẽ ba không nên kỳ vọng quá nhiều. Mai này con lớn lên hãy nhớ điều đó, đừng bao giờ kỳ vọng quá nhiều vào một điều gì đó nghe chưa?
Lần nữa, ba lại lắc đầu tự hỏi, để làm gì nhỉ? Liệu rằng có phải họ đã đi vào ngõ cụt và việc đó là thứ cuối cùng mà họ có thể làm để giữ lại niềm tin của người dùng và Khách hàng tiềm năng? Và khi họ đã dùng đến lá bài này, một lá 2 bích yếu nhất trong bộ bài poker, cũng là lúc mà họ giải thích cho cả thế giới thấy rất rõ ràng về mọi thứ đã diễn ra trong thời gian qua kể từ lúc họ ra mắt Bphone: phần cứng gia công không được chính xác tuyệt đối, phần mềm bị lỗi, nhiều thứ bị nghi ngờ không phải sản xuất tại Việt Nam, rằng Bkav không có năng lực sản xuất hàng loạt, giao hàng trễ.. và nhiều thứ khác nữa con ạ.
Đúng, đó là dư luận, nơi tập hợp những y kiến trái chiều, có thể đúng mà có thể sai Nhưng con đừng quan tâm con nhé. Hãy nhớ câu này, nghe hơi thô và hơi khó vào một chút: Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi. Đừng dừng lại. Hãy tập trung vào bản thân mình, đừng quan tâm đến ai khác nghĩ gì về con, miễn là con tốt, con độc đáo, và con có cái tâm hướng thiện.
Đúng, cái tâm hướng thiện. Ba tin bác Quảng có rất nhiều. Nhưng lúc này đội ngũ của bác ấy nên tĩnh lại một chút là được. Mọi thứ sẽ cần thời gian. Không có ai một phút lên tiên cả.
Tất nhiên, trong trường hợp xấu nhất là Bphone đi vào ngõ cụt thì Bkav vẫn phát triển bởi Bphone cũng chỉ là một trong những sản phẩm, dịch vụ của công ty này. Nhưng khát khao nơi bác Quảng có lẽ sẽ bị một đòn giáng mạnh. Và đó là điều khiến ba lo lắng, con yêu. Bởi bác y là tấm gương không chỉ cho ba mà còn rất nhiều người khác nữa, noi theo. Bác ấy có lẽ sẽ trở thành một huyền thoại và một biểu tượng. Cho cái gì? Lúc lớn lên con sẽ biết.
Mà con à, sau này lớn lên có làm kinh doanh, con chỉ cần nhớ thế này: hãy có một sản phẩm/dịch vụ tốt và đủ khác biệt, cố gắng bán nó cho thật nhiều người, với giá thật hợp lí, và bán cho họ đúng lúc mà họ muốn. Chỉ cần vậy thôi con.
À, lại nói về giá cả hợp lí. Con biết vì sao giá bán Bphone quá cao khiến ba không mua nổi không? Ba nghĩ bởi vì Bphone và điện thoại Vertu (điện thoại siêu sang đó con) có một điểm chung: sản xuất rất ít và rất khó mua, đồng thời được lắp ráp thủ công với sự khéo léo của đội ngũ công nhân!
Thư đã quá dài và ba phải đi ngủ đã. Ba yêu và nhớ con!