Người viết bài này đang sử dụng chiếc iPhone 7+, mua từ năm 2016. Dám cược rằng còn hàng triệu người ngoài kia vẫn đang sử dụng chiếc điện thoại tuyệt vời này. Có lẽ chúng ta không có gì để than phiền về nó, ngoại trừ vấn đề về pin.
4 năm trôi qua, Apple vừa ra mắt chiếc iPhone 12. Có lẽ không phải. Nếu nói chính xác thì phải là một mớ iPhone 12.
iPhone 12 có hơn chiếc iPhone 7+ không? Tất nhiên rồi, rất nhiều mặt. Từ màn hình, chip, camera, các tính năng mới, tốc độ mới… Nhưng như tất cả những lần khác, liệu đó có phải là yếu tố cốt lõi để bạn nâng cấp một chiếc iPhone của mình? Tại sao chúng ta phải bán đi với giá rẻ 1 chiếc iPhone 7+ cũ kỹ nhưng vẫn mượt mà, tốc độ xử lý cao, cài được hệ điều hành mới nhất, có chụp chân dung xóa phông, dung lượng bộ nhớ 128GB, mẫu mã vẫn thời thượng… để mua một chiếc iPhone 12 với những cập nhật mơ hồ về màn hình, tốc độ xử lý, camera?
Bài viết này sẽ không có tham vọng bao quát mọi thứ về iPhone 12, với tất cả những trải nghiệm, cảm nhận, đánh giá xét về những điểm mạnh, yếu của nó. Chúng ta sẽ nói về những gì mà đội ngũ phát triển sản phẩm đang làm với iPhone, và những gì đang khiến cho iPhone trở nên không còn quá nhiều sự khác biệt – thứ đã giúp thương hiệu này trở thành kẻ dẫn đầu mà các đối thủ Android của nó không thể vươn tới.
Xét cho cùng thì iPhone vẫn là iPhone. Trải nghiệm người dùng tuyệt vời ngay kể cả đối với iPhone 6, 7 chứ đừng nói là iPhone 12 – đó chính là một trong những thứ định hình bản sắc của cái tên iPhone ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên, điều này không phải là yếu tố giúp nó thống trị đến tận ngày hôm nay.
Và Apple cũng không dại dột gì mà phụ thuộc hoàn toàn vào thế mạnh này. Các hãng điện thoại Android lớn nhất thế giới như Samsung, Huawei vẫn đang làm ngày một tốt hơn và đem lại những trải nghiệm mượt mà không hề kém cạnh. Vậy đâu mới là thứ có thể giúp cho iPhone luôn thu hút người dùng, luôn duy trì được vị thế?
Câu trả lời nằm ở sự đơn giản. Đơn giản trong tất cả mọi thứ, cả sự chọn lựa và cách thể hiện cá tính, cái tôi của người dùng.
Apple đang ngày càng khiến người ta đau đầu không biết sử dụng loại điện thoại nào trong số các loại mà họ ra mắt mỗi năm – ngày một nhiều lên. 2016, bạn chỉ cần đơn giản lựa chọn giữa iPhone 7 và iPhone 7+, chỉ có 2 kích thước màn hình, với sự khác biệt rõ rệt nằm ở chiếc camera sau.
Người ta không bỏ tiền ra, thậm chí là rất nhiều tiền để mua thêm những tính năng mới trên iPhone – vốn không bao giờ có sự thay đổi rõ ràng. Nếu không dùng máy đo, liệu một người dùng bình thường có thể cảm nhận rằng chiếc iPhone 12 có tốc độ cao 27% so với iPhone 11? Hay camera của nó chụp nhanh hơn bao nhiêu phần trăm giây. Thậm chí so sánh với iPhone 7+ còn khó!
Mỗi năm các nhà thiết kế Apple đều rất tinh tế, khi không bao giờ quảng cáo nhấn mạnh về sự thay đổi (dù ít dù nhiều) trong thiết kế, mà chỉ nhấn mạnh vào tính năng. Đó là nghệ thuật quảng cáo, khi một sản phẩm không “bô bô” cho thiên hạ biết điều gì mới giúp nó bán được nhiều nhất. Trong các ấn phẩm quảng cáo, sự thay đổi thiết kế của Apple chỉ đơn giản là “all-new design”. Tuy nhiên, các nhà chiến lược tiếp thị tại Apple đều biết rằng sau hơn chục năm trời, chính sự thay đổi dù ít ỏi qua mỗi năm đó mới là thứ thu hút người dùng mới nâng cấp chiếc điện thoại. Họ khôn khéo để chính cộng đồng người dùng tự cảm nhận nó, chứ không cần quảng cáo. Chính nó chứ không phải điều gì khác.
Sự thành công của Apple bắt đầu bị đặt dấu hỏi kể từ khi họ tung ra quá nhiều phiên bản iPhone X. Và giờ là iPhone 12. Sự phức tạp trong lựa chọn của người dùng có thể sẽ khiến iPhone trở nên na ná so với các hãng bám đuổi.
iPhone 12 dù sao cũng là all-new design, nhưng là so với phiên bản tiền nhiệm của nó. Một chút thay đổi từ bo tròn sang vuông vức vẫn sẽ là yếu tố thu hút người dùng. Nhưng giờ đây, iPhone đã không thể định vị người dùng của nó một cách rõ nét nữa, vì nó có quá nhiều phiên bản hao hao giống nhau. Cung cấp nhiều dòng sản phẩm cho đa số người dùng không phải là cách để iPhone có được ngày hôm nay.
Giờ đây không phải là vấn đề giữa iPhone với các hãng khác, mà là giữa iPhone với iPhone. Về lâu về dài những trải nghiệm phức tạp và rối rắm này rất có thể sẽ khiến Apple phải đau đầu. Sự tham lam và dàn trải cũng không phải là yếu tố cốt lõi giúp cho công ty này có giá trị hơn 1 ngàn tỷ Mỹ kim trên sàn chứng khoán, và là thương hiệu có giá nhất thế giới.
Đó không phải iPhone! Rất có thể bạn sẽ nghĩ như thế nếu không trông thấy mấy cái camera đặc trưng. Apple đã tạo cơ hội cho những Samsung, Huawei, Xiaomi trong việc tạo ra một cuộc chiến rút ngắn khoảng cách về giá trị thương hiệu.
Có thể Apple và iPhone vẫn sẽ thành công, hoặc không. Thời gian mới có thể trả lời cho vấn đề này. Nhưng rõ ràng, iPhone đang không đi con đường mà nó đã đi trong suốt hơn chục năm qua. Sự thay đổi này mang tính cách mạng? Rất có thể.
Nhưng chúng ta sẽ thấy, nó không có hơn 50% sự tích cực.