Nội dung chính
Xây dựng thương hiệu chính là làm marketing?
Đã bao giờ bạn nghĩ đến vai trò của marketing và xây dựng thương hiệu, cũng như mối quan hệ giữa chúng. Đôi khi ở một vài nơi có một vài người không thể phân biệt nổi, thế nào là marketing, thế nào là xây dựng thương hiệu và cái gì quan trọng hơn.
Có ai đó có thể nghĩ rằng, thương hiệu, hay nhãn hiệu cũng được, là một công cụ được sử dụng trong quá trình marketing, các chiến dịch truyền thông, sự kiện, báo chí… Nhưng bạn có tự hỏi công cụ gì đã làm nên thương hiệu, hay nhãn hiệu đó? Liệu có phải chính là marketing?
Hiện nay marketing đã và đang tỏ ra quan trọng đến mức mà người ta nghĩ rằng, làm marketing chính là xây dựng thương hiệu.
Nhưng thực tế là trong xây dựng thương hiệu, marketing hay những hoạt động liên quan như quảng cáo, quan hệ công chúng, mở rộng hệ thống phân phối, thiết lập chính sách giá, chính sách sản phẩm… không phải là những hoạt động đóng vai trò quyết định. Chúng góp phần khắc sâu hình ảnh thương hiệu vào trong tâm trí khách hàng mục tiêu, nhưng đó chỉ là bề nổi. Sức mạnh của một thương hiệu được xuất phát từ những yếu tố sâu xa bên trong nó, như những giá trị, cam kết, lời hứa tuyên bố và khả năng duy trì cũng như thực hiện lời hứa đó của doanh nghiệp. Làm thương hiệu chính là việc bạn phối hợp tất cả những hoạt động này một cách tốt nhất.
Vậy thì làm marketing hay làm thương hiệu quan trọng hơn. Câu trả lời là cả hai bởi hai công việc này không tách rời nhau, và thậm chí có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Tuy nhiên marketing hay thương hiệu quan trọng hơn? Đến đây chắc bạn tự đưa ra được câu trả lời cho riêng mình. Tất cả hướng đến một mục đích: 1 thương hiệu mạnh. Và tương lai dài hạn mới là quan trọng.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta tập trung cho việc làm thương hiệu, và cần chấp nhận một thực tế là marketing chỉ là một phần trong quá trình xây dựng thương hiệu mà thôi. Khái niệm marketing rất có thể sẽ trở nên mờ nhạt so với khái niệm xây dựng thương hiệu (branding) trong một tương lai không xa.
Hãy làm thương hiệu ngay!
Quy mô của ngân sách marketing quyết định sự thành công của quá trình làm thương hiệu?
Thực tế không phải như vậy. Ngân sách là một phần không thể thiếu đối với quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ. Nhưng quy mô của ngân sách marketing không phải là yếu tố quyết định đối với sự thành công của một thương hiệu. Bởi thực tế xây dựng thương hiệu không phải là marketing!
Marketing hướng nhiều đến khách hàng (hướng ngoại), nhưng xây dựng thương hiệu phải được bắt đầu từ bên trong. Do đó, ngoài khách hàng, bạn còn phải quan tâm đến nhân viên, lực lượng cổ đông, những người trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Nếu tất cả mọi người đều có sự hiểu biết sâu sắc về thương hiệu, có ý thức thương hiệu, cảm thấy họ là một phần của thương hiệu, họ sẽ đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng thương hiệu công ty. Đó chính là đòn bẩy quan trọng mà đôi khi ngân sách marketing chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ.
Hãy tập trung vào nhân viên và các nguồn lực mà công ty bạn đang có.
Thương hiệu chính là biểu tượng, hay dấu hiệu thương mại?
Đó là một cách hiểu cực kỳ sai lầm của các doanh nghiệp. Vấn đề là hầu hết các doanh nghiệp đều suy nghĩ như vậy. Chính những quan điểm sai lầm đó đã và đang giết chết con đường phát triển thương hiệu của những doanh nghiệp này. Đó cũng là lý do giải thích vì sao họ luôn tập trung vào việc đăng ký , và điều đó khiến cho họ chẳng bao giờ sở hữu một thương hiệu thực sự mạnh.
Vậy thì tại sao thương hiệu không phải là logo? Chắc chắn rồi.
Thực tế, thương hiệu là những cảm nhận và kinh nghiệm ngự trị trong trái tim và khối óc của khách hàng cũng như người tiêu dùng.
Rất nhiều doanh nghiệp bỏ ra một khoảng thời gian lớn, công sức và tiền của để phát triển các logo bắt mắt, họ tin rằng làm như vậy là đang tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ hay công ty của mình.
Thực tế thì logo chỉ là một trong rất nhiều các phương tiện để nhận diện thương hiệu. Chỉ có vậy! Nhưng thương hiệu của một tổ chức là cảm nhận chứ không phải là phương tiện nhận diện.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của logo đối với sự phát triển của một thương hiệu, nhưng đằng sau một logo ấn tượng phải là sự tận tâm và khả năng thực hiện những gì mà doanh nghiệp của bạn đã cam kết. Nếu không, khách hàng sớm muộn gì cũng rời bỏ bạn khi họ nhận ra rằng đằng sau sự hào nhoáng chỉ là sự sáo rỗng, hời hợt và không chút giá trị.
© 2018 Bản quyền thuộc về Trần Quang Hảo/Đức Kiên AD Mọi hành vi sao chép hoặc xuất bản lại bài viết này mà không dẫn nguồn đều là bất hợp pháp.