Bạn đang điều hành một công ty và đang muốn xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp của mình? Bạn đã cùng các cộng sự của mình thiết lập các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho việc xây dựng thương hiệu, và đang cố gắng từng bước thực hiện chúng.
Nhưng bạn có thực sự biết mình đang làm gì và đã làm được những gì?
Bạn đang nỗ lực để tạo ra thương hiệu cho một sản phẩm, cho một dịch vụ hay cho cả một công ty? Đã bao giờ bạn phân biệt rạch ròi những suy nghĩ này chưa?
Có thể bạn nghĩ rằng, sự phân biệt đó là hoàn toàn không cần thiết vì thương hiệu là thương hiệu, và cho dù là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu dịch vụ hay thương hiệu công ty cũng đều là thương hiệu mà thôi.
Nhưng thực tế có đúng là như vậy? Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ điều đó, và cho dù công ty của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nào thì chúng tôi tin rằng nó sẽ có ích cho bạn.
Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng chia sẻ khái niệm chung nhất về thương hiệu.
Ngày nay, thương hiệu là thuật ngữ kinh doanh mà chắc chắn bất kỳ doanh nhân hay những người tham gia vào hoạt đông kinh tế đều ít nhiều nghe nói đến.
Có lẽ bạn cũng có cách nghĩ của riêng mình. Nhưng bạn có chắc chắn là mình nằm trong số những người hiểu đúng và đầy đủ về thương hiệu hay không?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, thương hiệu là tập hợp tất cả những cảm nhận, những kinh nghiệm của khách hàng và người sử dụng về một sản phẩm, một dịch vụ hay một công ty qua nhiều năm. Đó có thể là những kinh nghiệm tốt, xấu hoặc không có bất kỳ kinh nghiệm nào.
Như vậy, thương hiệu là cảm tính và nó tồn tại trong trái tim, trong tâm trí của người tiêu dùng. Nó hoàn toàn không phải chỉ là biểu tượng, là khẩu hiệu hay dấu hiệu thương mại.
Vậy tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến các loại thương hiệu khác nhau? Thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm và thương hiệu dịch vụ chẳng phải đều là thương hiệu hay sao?
Nhưng trong thực tế, mỗi loại thương hiệu lại có những đặc thù khác nhau, và khi bạn biết chắc chắn bạn đang làm thương hiệu cho sản phẩm/dịch vụ hay cho công ty của mình, bạn mới có thể thiết lập được một con đường đúng đắn nhất.
Đối với những công ty chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, thương hiệu sản phẩm có thể không có mối liên hệ nhiều với thương hiệu của công ty khi nhắc đến nó.
Người ta hay sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu sản phẩm khi nói về thương hiệu cho sản phẩm, bởi khi nhắc đến nhãn hiệu sản phẩm người nghe chỉ có thể hình dung ra đặc điểm và chức năng của sản phẩm mà thôi.
Ở đây, vai trò của thương hiệu công ty bị mờ nhạt và những dịch vụ đi kèm của công ty cũng chỉ để hỗ trợ cho việc thúc đẩy nhãn hiệu sản phẩm.
Ví dụ, công ty Tân Hiệp Phát sở hữu các nhãn hiệu là “Không Độ” cho sản phẩm trà xanh đóng chai, “Number One” cho sản phẩm nước tăng lực… Nhưng khi nghe đến “Number One” và “Không Độ”, người nghe chỉ có thể hình dung đó là loại nước uống giải khát đóng chai, ngoài ra họ không thể hình dung cơ cấu cũng như quy mô của Tân Hiệp Phát.
Thương hiệu dịch vụ là thương hiệu của những dịch vụ được tạo ra bởi các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Đối với những công ty chuyên cung cấp dịch vụ, thương hiệu dịch vụ chính là thương hiệu công ty.
Ví dụ như thương hiệu Vietnam Airlines là thương hiệu của Tổng công ty hàng không Việt Nam, là thương hiệu dịch vụ hàng không. Vietnam Airlines vừa là thương hiệu công ty, vừa là thương hiệu dịch vụ.
Khác với thương hiệu sản phẩm, khách hàng có thể trải nghiệm thương hiệu dịch vụ thông qua rất nhiều điểm tiếp xúc.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành một thương hiệu dịch vụ chính là yếu tố con người, bởi con người là lực lượng chủ yếu tham gia vào quá trình tạo ra dịch vụ, đó là lực lượng quyết định đến chất lượng dịch vụ, sự nhất quán của dịch vụ và việc giữ lời hứa của thương hiệu dịch vụ.
Nhưng quan trọng hơn cả, chính là thương hiệu công ty của công ty bạn. Thương hiệu công ty chính là thương hiệu bao trùm lên mọi sản phẩm hay dịch vụ của một công ty.
Khác với nhãn hiệu sản phẩm, khách hàng có thể trải nghiệm thương hiệu công ty thông qua rất nhiều điểm tiếp xúc khác nhau. Sản phẩm hay dịch vụ của công ty chỉ là một trong số đó.
Niềm tin và văn hoá trong công ty chính là cái được nhận biết nhiều nhất nơi công chúng. Thật không ngoa khi nói rằng, thương hiệu công ty chính là phần hồn của doanh nghiệp, nó tạo ra sự tin tưởng từ chính những cam kết và những gì mà công ty đã làm được.
Danh tiếng từ thương hiệu công ty sẽ giúp tạo dựng danh tiếng cho sản phẩm hay dịch vụ. Khi một doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu công ty cho mình, nó sẽ giúp hỗ trợ, định hướng và tạo ra nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu dịch vụ của công ty đó.
Đó là lý do khiến thương hiệu công ty trở nên hết sức quan trọng, trong khi khách hàng chỉ thực sự quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ do công ty cung cấp.
Xây dựng một thương hiệu trường tồn và vững mạnh là một quá trình dài hạn, không có điểm dừng, không ngừng tiến bộ và học hỏi của mỗi doanh nghiệp.
Nhưng bù lại, việc quan tâm và đặt thương hiệu vào trọng tâm trong kinh doanh sẽ giúp tạo ra một tài sản có giá trị vô cùng to lớn trong tương lai.
Ngoài ra, nó cũng giúp các chủ doanh nghiệp có suy nghĩ, hướng đi đúng đắn, qua đó tránh được những bước đi không cần thiết và kém hiệu quả.
© 2018 Đức Kiên AD/Trần Quang Hảo/Lê Tuấn Anh. Mọi hành vi sao chép và xuất bản lại bài viết này mà không dẫn nguồn đều là bất hợp pháp.