Một khi nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu, chúng ta mới có niềm tin vào con đường để xây dựng thương hiệu của mình.
Những lợi ích quan trọng nhất và những giá trị to lớn nhất mà một thương hiệu mạnh có thể tạo ra cho công ty sở hữu nó là:
>> Tăng doanh thu, doanh số bán hàng, lợi nhuận và tăng thị phần. So với những sản phẩm/dịch vụ không có thương hiệu, khả năng và mức độ tiêu thụ những sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu là lớn hơn rất nhiều. Khách hàng sẽ lựa chọn mua những gì họ cảm thấy nó mang lại giá trị thực sự cho họ, những gì mà họ cảm thấy thực sự tin tưởng. Những sản phẩm/dịch vụ “trôi nổi, vô danh” không thể mang lại cho khách hàng điều đó, hoặc có thì cũng rất ít. Chính vì vậy, thương hiệu sẽ giúp tăng doanh thu, tăng lợị nhuận và tăng thị phần cho công ty ở một chủng loại sản phẩm/dịch vụ nhất định.
>> Giảm biến động về giá. Những sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu thường ít có những biến động về giá và nếu có thì thường là tăng giá theo sự tăng lên của giá trị thương hiệu. Bởi một thương hiệu vượt xa những giá trị hữu hình của sản phẩm hay dịch vụ, nó đủ sức thuyết phục khách hàng mục tiêu trong bất kỳ trường hợp nào, bởi thương hiệu luôn tạo cho khách hàng những cảm xúc “muốn mua nó”. Chính vì thế, một thương hiệu càng mạnh bao nhiêu thì khả năng mất giá hoặc xuống giá của nó càng thấp bấy nhiêu.
>> Gia tăng lượng khách hàng mới, đồng thời tăng lòng trung thành của khách hàng hiện có. Một thương hiệu mạnh có sức lan toả mạnh mẽ. Nó giúp lôi kéo và thu hút khách hàng tiềm năng, qua đó gia tăng số lương khách hàng mới. Thương hiệu mạnh cũng giúp củng cố và gia tăng lòng trung thành của lực lượng khách hàng hiện có của công ty. Bởi một thương hiệu ngoài việc giúp cho khách hàng thoả mãn được những nhu cầu cốt lõi của họ, nó còn giúp khách hàng xác định được được đúng giá trị của họ, giúp cho khách hàng khẳng định được giá trị của mình. Khi đó, những giá trị của một thương hiệu mạnh cũng chính là giá trị của khách hàng. Những lý do đó khiến cho khách hàng cũ đã gắn bó với thương hiệu trở nên “không thể tách rời” với nó.
>> Tăng thêm độ nhiệt tình của các nhà cung cấp và nhà bán lẻ. Chắc chắn nhà phân phối, bán lẻ nào cũng muốn bày bán hay phân phối những sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu. Ngoài việc giúp cho họ có thể bán được nhiều hàng hơn, qua đó thu được nhiều lợi nhuận hơn, việc đó còn giúp họ có thể gây dựng được thương hiệu cho chính bản thân mình. Các nhà cung cấp cũng vậy, họ luôn muốn trở thành đối tác của những công ty có sản phẩm/dịch vụ là những thương hiệu mạnh. Sức hút của những sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu mạnh sẽ “kéo” khách hàng đến với những điểm phân phối chúng. Lòng trung thành nếu có của khách hàng đối với những sản phẩm/dịch vụ này dần dần sẽ giúp tạo dựng lòng trung thành của họ đối với chính những điểm phân phối. Rất nhiều lợi ích sẽ đến với các nhà phân phối này.
>> Tăng khả năng sinh lời. Một sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu có thể bán được với giá cao hơn giá trị thực của nó. Khách hàng sẵn sàng trả cho sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu một cái giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm/dịch vụ “vô danh” khác. Bởi những sản phẩm/dịch vụ đó không những đem lại giá trị sử dụng cho người dùng, mà còn đem lại rất nhiều giá trị cảm xúc khác. Ngoài ra, khi mua và sử dụng những sản phẩm/dịch vụ có thương hiệu, khách hàng sẽ thấy họ được “bảo đảm” cho đồng tiền của mình, bởi thương hiệu bao hàm cả một lời hứa, và một sự cam kết của công ty đối với sản phẩm/dịch vụ mà mình cung cấp. Quá trình xây dựng và quản lý thương hiệu phải làm đươc những việc đó. Khi đó, giá của nó sẽ bao gồm cả giá trị của thương hiệu. Và chính giá trị này sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn trên một đơn vị sản phẩm hoăc một lần cung cấp dịch vụ, đó chính là khả năng sinh lời. Và như vậy, thương hiệu chính là tài sản giá trị nhất của một công ty, cho dù chẳng ai có thể sờ hay chạm vào tài sản này. Nó là vô hình.
>> Tăng giá trị cổ phiếu, tăng số lượng cổ đông. Như phần trên đã trình bày, một công ty sở hữu những thương hiệu mạnh có khả năng sinh lời rất cao. Điều đó là một lực hút rất lớn đối với các cổ đông và cổ đông tiềm năng. Cổ phiếu của những công ty có thương hiệu có sức hút và sức lan toả rất lớn. Bởi cổ đông ngoài việc là những người đem lại tài sản cho công ty, cho thương hiệu, họ còn là những khách hàng trung thành của thương hiệu. Họ hiểu thương hiêu và nói về những thương hiêu đó với những lời lẽ tốt đẹp nhất. Người ta sẽ nói rất nhiều về những cổ phiếu này, và chúng sẽ luôn ở tình trạng bị “săn lùng”. Giá trị của chúng sẽ tăng lên theo đó.
>> Làm rõ nét tầm nhìn của thương hiệu. Một thương hiệu mạnh có một tầm nhìn rất rõ nét. Nghĩ đến một thương hiệu, khách hàng và khách hàng tiềm năng sẽ nghĩ ngay đến một điều gì đó. Bởi thương hiệu đó luôn có những cam kết về giá trị và luôn thay đổi để hướng đến những mục tiêu lớn. Người ta nói rất nhiều về những thương hiệu như vậy trên các phương tiện truyền thông, hay thậm chí chỉ là truyền miệng. Thương hiệu mạnh sẽ tách mình ra khỏi các đối thủ cạnh tranh, qua đó có một mục tiêu, một tầm nhìn và một sứ mệnh hết sức rõ ràng.
>> Tăng khả năng động viên nhân viên và tập trung hơn vào các hoạt động của công ty. Thương hiệu mạnh bản thân nó sẽ tạo ra rất nhiều động lực đối với toàn bộ những con người trong một công ty. Những con người này hiểu rõ sứ mệnh của mình và của công ty, hiểu rõ tầm nhìn và mục tiêu của thương hiệu, họ có đầy đủ những động lực thúc đẩy trong công việc để đạt đươc những mục tiêu đầy tham vọng đó. Họ sẽ trở thành một phần của lịch sử thương hiệu và tự hào về thương hiệu, về những việc mình làm để tạo dựng thương hiệu đó. Họ sẽ nỗ lực để gìn giữ bản sắc và lời hứa của thương hiệu. Động lực làm việc của họ không chỉ là những lợi ích vật chất đơn thuần, mà còn là niềm tự hào thương hiệu.
>> Tăng khả năng mở rộng sản phẩm mới và các ngành dịch vụ mới. Một thương hiệu mạnh giúp cho công ty sở hữu nó có khả năng sử dụng tên thương hiệu để mở rộng ra những ngành sản phẩm hay dịch vụ khác. Khi đó, sức mạnh của thương hiệu sẽ không chỉ bó hẹp ở một ngành hay một chủng loại sản phẩm/dịch vụ nhất định. Khi đó, tất cả những yếu tố phản ảnh chỉ tiêu tài chính của công ty như doanh thu, doanh số, lợi nhuận… sẽ tăng lên. Sức mạnh của thương hiệu ở sản phẩm/dịch vụ này cũng có thể đem lại sức mạnh cho thương hiệu ở những chủng loại sản phẩm/dịch vụ khác. Tuy nhiên, đối với một công ty, có rất nhiều vấn đề cần phải được quan tâm khi thực thi một chiến lược mở rộng sản phẩm/dịch vụ dựa trên thương hiệu có sẵn. Điều này có thể giúp cho công ty tăng doanh số, tăng lợi nhuận… nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, chiến lược này có thể giết chết một thương hiệu. Mỗi một thương hiệu chỉ nên tập trung vào một hoặc hai chủng loại sản phẩm/dịch vụ chính, và trong trường hợp lý tưởng thì chỉ một mà thôi. Điều này sẽ được phân tích kĩ trong quá trình hoạch định chiến lược thương hiệu.
>> Tăng khả năng thu hút và giữ vững các nhân viên chất lượng cao. Một thương hiệu mạnh tự nó có khả năng thu hút những những nhân viên chất lượng cao. Những người lao động luôn có rất nhiều sự lựa chọn để cống hiến và làm việc, nhưng những người lao động có trình độ chỉ chọn những nơi làm việc được cho là có môi trường tốt, có văn hoá tốt, có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu về thu nhập, lương, thưởng… xứng đáng, và có khả năng phát triển tài năng của họ. Họ chọn những công ty có thương hiệu. Thương hiệu không chỉ giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ, mà còn giúp cho người lao động có trình độ dễ dàng lựa chọn nơi để làm việc. Niềm tự hào thương hiệu chính là sợi dây gắn kết họ với công ty. Một khi đã được làm việc, được cống hiến và được phát triển hết tài năng trong một môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp và có văn hoá, những nhân viên chất lượng cao này sẽ trung thành, một lòng giữ gìn những bản sắc và giá trị của thương hiệu.
>> Làm đòn bẩy kích thích nền kinh tế của cả quốc gia đi lên. Trong một nền kinh tế, hay một quốc gia, sự tồn tại của những thương hiệu mạnh giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Môi trường cạnh tranh đó giúp các công ty luôn nỗ lực đổi mới, có động lực phát triển, tích cực nghiên cứu, sáng chế những giải pháp mới trong việc thoả mãn nhu cầu người dân, làm cho mức độ hưởng thụ của người dân tăng lên, có nhiều nơi làm việc chất lượng để những người lao động có trình độ lựa chọn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng… Tất cả những yếu tố đó giúp cho nội tại của một nền kinh tế, hay một quốc gia trở nên vững mạnh, và có rất nhiều động lực để tiếp tục phát triển.
>> Tạo ra lợi thế trường tồn cho công ty, giúp công ty đứng vững trước mọi biến động của nền kinh tế. Những công ty sở hữu những thương hiệu mạnh luôn biết cách vượt qua tất cả những khó khăn một cách dễ dàng nhất. Trong những lúc khó khăn nhất của một nền kinh tế suy thoái, người tiêu dùng sẽ “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Nhưng những thương hiệu mạnh luôn có một lượng đáng kể khách hàng trung thành. Chính lực lượng này sẽ giúp cho những công ty sở hữu thương hiệu mạnh duy trì được doanh số, lợi nhuận và trở nên ổn định hơn trong thời kì suy thoái của nền kinh tế. Và điều tuyệt vời hơn nữa là những công ty này có khả năng phục hồi với tốc độ rất nhanh khi nền kinh tế ổn định trở lại. Những điều đó giúp cho công ty sở hữu thương hiệu mạnh trở nên trường tồn, cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra.
>> Tạo ra rào cản đối với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Một thương hiệu lớn có khả năng làm cho những đối thủ cạnh tranh từ bỏ mọi ý định tham gia vào thị trường với chủng loại sản phẩm/dịch vụ tương tự. Một thương hiệu mạnh có khả năng chiếm được một vị trí vững chắc và rất khó thay đổi trong trái tim và khối óc của khách hàng tiềm năng, điều đó giúp cho khả năng phòng thủ của thương hiệu, Bất kỳ một công ty nào có ý định tung ra một sản phẩm hay dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ đã có thương hiệu sẽ phải chùn chân và cân nhắc rất nhiều. Họ sẽ thất bại, trừ khi họ thiết lập được một chiến lược thương hiệu thât đúng đắn và thực hiện thành công nó. Nhưng điều đó cũng sẽ làm cho những đối thủ này tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Như vậy, thương hiệu có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một công ty. Việc đầu tư cho quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu là một trong những việc làm khôn ngoan nhất của bất kì công ty nào muốn tồn tại và phát triển vững chắc trong môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu như hiện nay.
© Trần Quang Hảo/Đức Kiên AD.