Nội dung chính
Một cuộc đua đường dài về cơ bản luôn tồn tại 2-3 con ngựa chiến
Khái niệm “cuộc đua” hay “cạnh tranh” là dùng để so sánh giữa nhiều đối tượng. Bạn cạnh tranh với ai nếu bạn chỉ có 1 mình?
Các thương hiệu dẫn đầu cũng vậy. Họ không thể đua một mình. Luôn luôn có một ai đó bên cạnh, ở vị trí số 2 hoặc 3, giúp người dẫn đầu biết rằng họ ở vị trí đầu tiên. Cuộc cạnh tranh này không làm hại ai bởi cuối cùng, nó giúp thu hút sự chú ý của khán giả (khách hàng). Thế là thị trường được nở rộng ra và tất cả đều tiến lên.
Barcelona luôn so kè với Real Madrid. Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đã đồng hành với nhau trên các bảng giải thưởng hàng chục năm liền. Họ cần nhau.
Coca-Cola cần Pepsi. DHL cần FedEx. Vinamilk cần TH True Milk. Apple cần Samsung. Nike cần Adidas. Mercedes cần BMW.
Vậy Sơn Tùng MTP cần ai?
Hiệu ứng đám đông và sự thể hiện tính cách cá nhân
Mỗi thương hiệu cạnh tranh luôn có những tính cách khác biệt, thậm chí là đối lập, giúp người dùng của nó phần nào đó thể hiện được cái tôi cá nhân của mình.
Coca-Cola trưởng thành, Pepsi thì cá tính và trẻ trung. Ronaldo đi lên bằng khổ luyện, Messi là thiên tài bẩm sinh. DHL màu vàng còn FedEx màu xanh.
Khi một thương hiệu qua nhiều năm thu hút được một lượng rất lớn người tiêu dùng trung thành thành thì sẽ có nhu cầu tách mình ra khỏi đám đông từ một lượng khách hàng tiềm năng khác. Và đó là đất sống của các thương hiệu số 2, số 3.
Sơn Tùng MTP là ca sỹ đang dẫn đầu nền âm nhạc đại chúng thịnh hành (POP) tại thị trường Việt Nam. Rất khó để phủ nhận điều này khi từ nhiều năm qua, âm nhạc của Sơn Tùng luôn thu hút được một sự chú ý lớn từ cộng đồng.
Một phong cách khác biệt thể hiện qua tài năng âm nhạc – thứ âm nhạc không giống ai, không trộn lẫn vào đâu được với các nghệ sỹ cùng thời kỳ – đã giúp MTP thu hút được một lượng lớn người hâm mộ, những người đã tìm thấy họ trong âm nhạc Sơn Tùng. Lượng fan của Sơn Tùng không ngừng gia tăng theo năm tháng, bao gồm cả những người trước kia là anti-fan và cả những người không quan tâm.
Những sóng gió nghề nghiệp và phong cách sống đặc biệt cũng là một phần giúp Sơn Tùng tìm được sự đồng cảm và qua đó gia tăng lượng fan cũng như sự yêu thích.
Những điều đó, cả tài năng thực sự, tính cách không-giống-kiểu-showbiz-truyền-thống đã giúp MTP “ngồi ở vị trí không ai ngồi được” – vị trí dẫn đầu suốt nhiều năm qua.
Bây giờ, nếu nói rằng bạn là một người hâm mộ của Sơn Tùng, điều đó đã không còn quá đặc biệt. Và đây chính là lúc thị trường âm nhạc cần sự mới mẻ để tiếp tục đi lên.
Thương hiệu Sơn Tùng MTP đã trở nên khá rõ nét. Câu chuyện là, nếu MTP là thương hiệu dẫn đầu thì đâu là thương hiệu số 2 của nền nhạc POP đương đại tại Việt Nam?
Câu trả lời là không có ai cả, mà hầu như tất cả đều ở vị trí số 2. Không có ai thực sự rõ nét để “đá cặp” cùng Sơn Tùng ở những vị trí đầu bảng. Thực tế, điều này lại hoàn toàn không tốt đối với một thương hiệu dẫn đầu.
Sơn Tùng MTP cần một động lực mới. Âm nhạc của anh cần bổ sung tính cạnh tranh để thúc đẩy những sự sáng tạo mới – thứ mà đã giúp anh đi lên. Nếu không tiến lên, sẽ đến ngày mà khoảng cách với tất cả các số 2 sẽ gần lại, và âm nhạc của Sơn Tùng có thể sẽ không còn nhiều sự khác biệt lớn.
Jack – một ca sỹ trẻ hơn Tùng 3 tuổi – nổi lên trong khoảng thời gian gần đây, được kỳ vọng lớn là sẽ có thể cạnh tranh sòng phẳng với Sơn Tùng MTP. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này mới chỉ dừng lại ở những con số và tất cả vẫn chỉ là kỳ vọng.
Có thể đây chưa phải là thời điểm nhưng sẽ đến lúc nào đó, sẽ có ai đó không muốn nghe nhạc Sơn Tùng chỉ vì muốn thể hiện tính cách cá nhân. Nhưng họ nghe nhạc của số 2 nào đây? Khi tất cả ở đằng sau đều “mờ mờ, ảo ảo”. Làm rõ nét tính cách thương hiệu, ở đây là tính cách âm nhạc, là điều mà ai đó phải làm.
Cái mà thị trường cần ở “số 2” chính là sự khác biệt thậm chí là đối nghịch với số 1 trên nhiều phương diện. Jack chưa thể tạo ra những cảm nhận rõ nét là anh có thể thu hút một lượng người muốn thể hiện điều gì đó, cái tôi gì đó.
Thực tế, Jack vẫn [được cho] là người gần nhất ở thời điểm hiện tại có khả năng song hành cùng Sơn Tùng. Nhưng anh và ekip của mình cần làm việc nhiều hơn nữa. Thứ âm nhạc miền Tây mộc mạc, dễ nghe, dễ nhớ lời, dễ thẩm thấu như Hồng Nhan, Bạc Phận, Sóng gió – cần được phát huy – chứ không phải đi theo mô hình âm nhạc phá cách cực kỳ đặc biệt của Sơn Tùng – với tiết tấu nhanh và sôi động (như các bài gần đây Em gì ơi hay Một thằng con trai). Như đã nói, cái mà thị trường cần chính là sự khác biệt.
Số 1 và số 2 luôn cần có nhau, nhưng lại đối nghịch nhau. Nếu sơn Tùng là màu đỏ, thì Jack hay ai đó cần là màu xanh.
Vậy với M/V “Có chắc yêu là đây”, thương hiệu Sơn Tùng đang tiến, lùi hay đứng yên?
Để duy trì vị thế một cách vững vàng, các thương hiệu cần động lực cạnh tranh để làm việc nhiều hơn nữa, để thị trường mở rộng, để phát triển tính nhận diện và đặc biệt là lượng khách hàng trung thành. Theo thời gian thì những gì bạn đã từng đạt được trong quá khứ sẽ không còn có nhiều ý nghĩa.
Với MTP, các kỷ lục cũng vậy. Họ muốn nhìn thấy một Sơn Tùng của hiện tại hơn là những gì anh đã thể hiện trước đây. Một ý nghĩ mặc định trong tâm trí của hầu hết mọi người là cũng là yếu tố hàng đầu thu hút lượng fan mới chính là Sơn Tùng luôn tiến về phía trước. Ca khúc sau luôn phá kỷ lục của ca khúc trước. Bất kỳ điều gì đó làm suy giảm thương hiệu của anh trong hiện tại đều nguy hiểm.
“Có chắc yêu là đây” là một ca khúc tuyệt vời của Sơn Tùng. Nhưng thực tế nếu đặt trong sự kỳ vọng của đông đảo công chúng so với chính Sơn Tùng, nó đã không đạt được tiêu chuẩn MTP – cả về mặt âm nhạc và hình ảnh.
Vấn đề của Sơn Tùng ở thời điểm này chính là luôn phải làm thỏa mãn sự kỳ vọng lớn lao. Có chắc yêu là đây có thể không làm được việc đó, nhưng để đánh giá ca khúc mới là một bước lùi của nam ca sỹ thì không đúng.
Thậm chí, theo quan điểm của người viết, không biết là vô tình hay cố ý, đây lại là một bước đi cực kỳ khéo léo của Tùng và MTP Entertainment.
“Có chắc yêu là đây” sẽ giúp Sơn Tùng bớt căng thẳng hơn. Tùng đã tự làm mới âm nhạc của mình so với các cú hít trước đó như Chạy ngay đi hay Hãy trao cho anh. Những khen chê trái chiều khi so sánh với những ca khúc cũ sẽ tiếp tục duy trì tên tuổi của MTP ở góc độ thu hút một lượng người hâm mộ mới – những người đến với nhạc của Tùng có thể vì chính những sự khen – chê lẫn lộn. Nếu bạn đến với âm nhạc của Tùng chì vì toàn những lời khen, thì chẳng phải bạn cũng giống như bao người khác?
Các con số cũng cho thấy sức hút của CCYLĐ không bằng so với Hãy Trao Cho Anh. Tóm lại, xét đơn thuần một cuộc chiến âm nhạc giữa Sơn Tùng hiện tại – Sơn Tùng 1 năm trước, thì Tùng của CCYLĐ đã có phần đứng sau.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, đây lại là điều cho thấy sự thông minh của Tùng và ekip. Họ biết làm “dịu” lại những kỳ vọng của công chúng, đồng thời tìm thấy những động lực mới để đẩy những dự án tương lai trở nên bùng nổ với hiệu ứng mạnh mẽ hơn – và tiếp tục duy trì Sơn Tùng ở một vị thế chỉ có thể cạnh tranh với chính mình.
Chỉ cần ca khúc mới của Tùng “nhích” lên so với CCYLĐ trên đồ thị, thì thị trường âm nhạc Việt Nam tiếp tục phải làm bạn với bảng xếp hạng âm nhạc: Sơn Tùng hiện tại – Sơn Tùng năm ngoái – Sơn Tùng năm kia…
Đó không phải bước tiến của một nền công nghiệp.
Xem thêm: Sơn Tùng MTP và câu chuyện chiến lược
Trần Quang Hảo/Đức Kiên AD